Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

NSƯT Trần Hạnh: Nếu kiếp sau làm người, vẫn theo nghề diễn

Gần 90 tuổi, NSƯT Trần Hạnh vẫn giữ dáng vẻ hiền hậu và có đôi chút khắc khổ hệt như những vai diễn của ông trên màn ảnh. Ông chia sẻ, dù nghề diễn viên có nghèo, có khổ nhưng nếu có kiếp sau, ông vẫn muốn theo nghiệp diễn viên.
Không sống chật vật như tin đồn
Những ngày qua, những thông tin NSƯT Trần Hạnh phải chật vật mưu sinh bán mũ bảo hiểm, giày dép ở tuổi 89 đã khiến người hâm mộ phải xót xa. Tuy nhiên, khi hẹn gặp ông tại cửa hàng nhỏ của gia đình trên phố Trần Quý Cáp, vừa gặp phóng viên, người nghệ sĩ già đã phân trần ông rất hài lòng với cuộc sống hiện tại chứ không chật vật như báo chí đăng tải. 
 
 Nghệ sĩ Trần Hạnh ở tuổi 89. Ảnh: LT
"Nói tôi như vậy là họ không hiểu gì về cuộc sống vì ai chẳng phải làm, chẳng phải mưu sinh. Tôi có con cháu đầy đủ làm sao chúng nó không nuôi được tôi, làm sao nhà nước không nuôi được tôi? Tôi đi làm mấy chục năm có bảo hiểm đàng hoàng tại sao lại nói thế?", NSƯT Trần Hạnh bày tỏ.
Với ông, cuộc sống hiện tại mỗi ngày diễn ra hết sức bình thường, buổi sáng 6 giờ ra quán, 9 giờ về nghỉ ngơi, chiều 5 rưỡi lại qua rồi 9 giờ về. "Tôi chỉ ra đây ngồi trông giúp con cháu chứ bán tôi cũng không biết bán, mỗi thứ một giá cũng không biết thế nào mà bán", NSƯT Trần Hạnh cười nói.  
Chia sẻ về cuộc sống ở tuổi 89, người nghệ sĩ già bày tỏ sự hài lòng và nhấn mạnh rằng không mong muốn gì hơn thế: "Tôi rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại".
Dù sức khoẻ đã già yếu nhưng với ông, ra trông hàng phụ giúp con cháu là niềm vui mỗi ngày, vì "ra cho thoải mái chứ ở nhà nằm mệt lắm". Ông cũng mãn nguyện kể lại niềm vui khi ngồi trông hàng có người nhận ra ghé lại chụp ảnh và đôi khi còn cho quà. 
"Mặc dù những thông tin trước đó hơi hiểu sai về tôi nhưng tôi rất cảm ơn các khán giả đã yêu mến. Tôi vui lắm vì vẫn được mọi người nhớ tới, có nhớ tới thì mới nhắc đến nhiều như thế", NSƯT Trần Hạnh nói.
Có kiếp sau vẫn muốn theo nghiệp diễn
Vốn được công chúng yêu mến bởi những vai diễn hiền lành, chất phác trên màn ảnh nhưng công việc diễn viên sân khấu mới là khởi đầu đưa NSƯT Trần Hạnh đến với nghiệp diễn. Nhớ lại những ngày đầu, dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng đối với người nghệ sĩ già vẫn như chỉ mới hôm qua. 
"Hồi đó đang đi làm giày, có ông Đình Quang bảo về đoàn kịch nào để diễn cho đỡ vất vả rồi xin cho tôi về đoàn Hà Nội từ năm 1959. Lương hồi đó của cũng khá, bậc 2 được 46 đồng mấy hào. Diễn viên hồi đó rất khó khăn vì đồng lương ít ỏi. Tôi làm sân khấu cát xê là 4 hào, 6 hào, cái thời 1 đồng 2 cho 1 bát phở không có thịt.
Ngoài diễn viên, tôi cũng không làm thêm gì khác vì không có thời gian và cũng vì biên chế với nhà nước nên phải có trách nhiệm với nhà nước", nghệ sĩ Trần Hạnh bồi hồi nhớ lại. 
Vất vả, chật vật là thế nhưng NSƯT Trần Hạnh cũng chưa bao giờ so sánh với nghề diễn viên thời bây giờ, có nhà lầu, xe hơi đầy đủ. Với ông, mỗi thời mỗi khác, không thể hồi trước đi bộ mà lại tị với người bây giờ đi ôtô.
Với ông, được diễn, được hoàn thành tròn vai diễn đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi: "Tôi mê diễn lắm, dù vất vả nhưng chưa bao giờ chán. Kiếp sau mà còn được làm người, tôi vẫn muốn làm nghề này. Vì nghề này được sống nhiều nhân vật, nay ông này mai ông kia, nay tích cực mai lại tiêu cực, thú vị lắm!".
Được nhiều nghệ sĩ, diễn viên quý trọng gọi là "bố", đối với nghệ sĩ Trần Hạnh đây cũng là điều mãn nguyện mà nghiệp diễn mang lại cho ông. "Vui lắm, được làm việc mà đồng nghiệp quý, gọi là bác, là anh, là bố là mừng lắm. Danh hiệu với tôi bây giờ cũng không còn gì là ghê gớm nữa", ông bộc bạch. 
Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngày 25.1.1994.
Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11.
Năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc. 
NGUYÊN LINH - LINH TRANG

Lại xảy ra tai nạn tàu hỏa ở Nam Định, không phải 8 người tử vong như tin đồn

Một vụ tai nạn đường sắt lại xảy ra sáng nay 1-8 trên địa bàn huyện Ý Yên (Nam Định) làm 4 người ngồi trên xe ô tô bị thương nặng.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng ban An ninh - An toàn giao thông Đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vụ tai nạn đường sắt xảy ra khoảng 8h20 sáng nay 1.8, tại địa bàn thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. 
Theo đó, tàu SE7 đang di chuyển đến km106+315 Núi Gôi - Cát Đằng, đường ngang có biển báo thì va vào ôtô 4 chỗ, BKS 30A-747.65 chở 4 người. Xe ôtô văng ra khỏi đường sắt. Cả 4 người bị thương.
Tai nạn đường sắt tại huyện Ý Yên, Nam Định sáng 1-8- Video: Trịnh Khánh Vũ (Otofun)
"Ngay sau đó, trưởng tàu và thợ máy đã đưa các nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Đến thời điểm hiện tại là không có chuyện có đến 7-8 người tử vong như đồn thổi của MXH. Còn tàu hỏa không bị ảnh hưởng gì và tàu sau đó đã chạy tiếp bình thường", anh Chiến khẳng định.
"Tàu SE7 di chuyển đúng lộ trình, chấp hành nghiêm chỉnh đường ngang biển báo và tầm nhìn tốt, tuy nhiên, do tài xế ôtô thiếu quan sát nên va chạm với tàu. Vụ việc hiện đang tiếp tục được điều tra, làm rõ."
CƯỜNG NGÔ

Tàn sát rừng nguyên sinh phòng hộ Vĩnh Thạnh, Bình Định: Những khe hở không còn... mới

Ngày 31.7, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cho hay, đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn tại các tiểu khu 142, 145 xã Vĩnh Sơn. Đây là vụ hủy hoại tài nguyên rừng nghiêm trọng nhất địa bàn vùng cao này từ trước đến nay.
Kiểm kê chưa hết?
Hiện trường triệt phá rừng nguyên sinh là các khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn. Những cây gỗ đường kính trên dưới 1m bị cắt lìa bằng cưa máy. Nhiều đoạn đã xẻ thành hộp dài 2m, bề mặt 30 - 35 cm.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Bình Định, phát hiện ban đầu (ngày 22 - 23.7) từ nguồn tin báo của người dân địa phương là 15 cây gỗ giổi vừa bị cưa hạ. Mở rộng phạm vi kiểm tra, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Cty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn tìm thấy thêm 8 cây giổi khác mang dấu cưa cũ hơn; gỗ đã xẻ ra và được vận chuyển khỏi hiện trường. Kết quả đo đếm của tổ công tác ghi nhận, có 134 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 11,6m3 và 25m3 gỗ tròn, tất cả đều là gỗ giổi, nhóm III.
Ngoài ra, trong lán trại dọc đường mòn kéo gỗ, tổ công tác thu giữ nhiều vật dụng có khả năng phục vụ điều tra, truy tìm thủ phạm, đáng chú ý là cuốn sổ hộ khẩu và chiếc điện thoại di động.
Số liệu do Sở NNPTNT Bình Định tiếp nhận, báo cáo UBND tỉnh chính xác đến đâu, hiện đang là 1 dấu hỏi. Tại các cuộc làm việc ngày 31.7 với Hạt trưởng Kiểm lâm Đặng Bá Quang và Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành, thắc mắc về sự tồn tại của những lóng gỗ không được đánh dấu, tức không được “tính đủ” trong biên bản kiểm tra.
Ông Quang giải thích, đấy là gỗ cũ, bị đốn hạ đã lâu, nằm ngoài thời hiệu xem xét của vụ việc đang diễn ra. Dù vậy, cả Hạt trưởng Đặng Bá Quang lẫn Phó Chủ tịch Bùi Tấn Thành đều hứa, sẽ lưu ý chi tiết trên; việc kiểm định, đánh giá đảm bảo sẽ nghiêm ngặt, chi tiết hơn trong quá trình điều tra vụ án.
“Giao thoa” trách nhiệm
Không phải đến bây giờ, rừng phòng hộ Vĩnh Sơn mới âm thầm chảy máu. Chủ nhân 1 khu sản xuất dưới chân núi Kon Roy lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi nhờ dẫn đường lên núi do lo sợ “lâm tặc trả thù”. Tuy nhiên, chính ông này cho biết, trước Tết Mậu Tuất, đã “phạt vạ” 200 ngàn đồng ra sao đối với 1 chuyến xe phá rào xuyên qua khu rẫy gia đình để vận chuyển gỗ. “Họ... khôn, biết cách làm âm thanh máy cưa nhỏ lại, ở xa không nghe. Nhưng tiếng cây nằm xuống thì biết hết. Cổ thụ 2, 3 người ôm, ngả đổ ầm ầm làm sao giấu được”.
Gỗ từ rừng Vĩnh Sơn đi ra chỉ có 1 ngả độc đạo, qua 3 chốt, trạm kiểm soát; 2 trong 3 cửa ngỏ này có thanh chắn barie. Chưa nói tới khả năng thả tay, tiếp sức, chỉ riêng hiệu lực phát hiện, ngăn ngừa vi phạm cũng đã là điểm yếu không thể chối cãi của cơ quan kiểm lâm.
Theo ông Đặng Bá Quang, gỗ lậu có thể đã được ngụy trang, che giấu bằng vỏ bọc gỗ rừng trồng. “Các trạm kiểm soát không được phép tùy tiện dừng phương tiện, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng” - ông Quang nói.
Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh - Trần Phước Phi mô tả, tiểu khu 142, 145 là khu vực ít nguy cơ hơn những “điểm nóng” khác. “Trước kia, chúng tôi từng cho lập chốt, nhưng rồi có những khu vực khác nguy cấp hơn nên bộ phận thường trực ở đấy rời đi” - ông Phi giải thích.
Ông này cũng thừa nhận phần trách nhiệm chủ rừng, song diễn giải khá nhiều về tình trạng pháp lý lửng lơ của rừng Vĩnh Sơn: “Khu vực này chưa chính thức thuộc về BQL rừng phòng hộ. Chúng chỉ mới được “tạm giao” trong khi chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm là của chính quyền địa phương”. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - Bùi Tấn Thành tham gia: “Đây là sự cố đáng tiếc, một bài học thấm thía cho tất cả chúng tôi”.
XUÂN NHÀN