Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Tàn sát rừng nguyên sinh phòng hộ Vĩnh Thạnh, Bình Định: Những khe hở không còn... mới

Ngày 31.7, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cho hay, đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn tại các tiểu khu 142, 145 xã Vĩnh Sơn. Đây là vụ hủy hoại tài nguyên rừng nghiêm trọng nhất địa bàn vùng cao này từ trước đến nay.
Kiểm kê chưa hết?
Hiện trường triệt phá rừng nguyên sinh là các khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn. Những cây gỗ đường kính trên dưới 1m bị cắt lìa bằng cưa máy. Nhiều đoạn đã xẻ thành hộp dài 2m, bề mặt 30 - 35 cm.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Bình Định, phát hiện ban đầu (ngày 22 - 23.7) từ nguồn tin báo của người dân địa phương là 15 cây gỗ giổi vừa bị cưa hạ. Mở rộng phạm vi kiểm tra, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Cty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn tìm thấy thêm 8 cây giổi khác mang dấu cưa cũ hơn; gỗ đã xẻ ra và được vận chuyển khỏi hiện trường. Kết quả đo đếm của tổ công tác ghi nhận, có 134 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 11,6m3 và 25m3 gỗ tròn, tất cả đều là gỗ giổi, nhóm III.
Ngoài ra, trong lán trại dọc đường mòn kéo gỗ, tổ công tác thu giữ nhiều vật dụng có khả năng phục vụ điều tra, truy tìm thủ phạm, đáng chú ý là cuốn sổ hộ khẩu và chiếc điện thoại di động.
Số liệu do Sở NNPTNT Bình Định tiếp nhận, báo cáo UBND tỉnh chính xác đến đâu, hiện đang là 1 dấu hỏi. Tại các cuộc làm việc ngày 31.7 với Hạt trưởng Kiểm lâm Đặng Bá Quang và Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành, thắc mắc về sự tồn tại của những lóng gỗ không được đánh dấu, tức không được “tính đủ” trong biên bản kiểm tra.
Ông Quang giải thích, đấy là gỗ cũ, bị đốn hạ đã lâu, nằm ngoài thời hiệu xem xét của vụ việc đang diễn ra. Dù vậy, cả Hạt trưởng Đặng Bá Quang lẫn Phó Chủ tịch Bùi Tấn Thành đều hứa, sẽ lưu ý chi tiết trên; việc kiểm định, đánh giá đảm bảo sẽ nghiêm ngặt, chi tiết hơn trong quá trình điều tra vụ án.
“Giao thoa” trách nhiệm
Không phải đến bây giờ, rừng phòng hộ Vĩnh Sơn mới âm thầm chảy máu. Chủ nhân 1 khu sản xuất dưới chân núi Kon Roy lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi nhờ dẫn đường lên núi do lo sợ “lâm tặc trả thù”. Tuy nhiên, chính ông này cho biết, trước Tết Mậu Tuất, đã “phạt vạ” 200 ngàn đồng ra sao đối với 1 chuyến xe phá rào xuyên qua khu rẫy gia đình để vận chuyển gỗ. “Họ... khôn, biết cách làm âm thanh máy cưa nhỏ lại, ở xa không nghe. Nhưng tiếng cây nằm xuống thì biết hết. Cổ thụ 2, 3 người ôm, ngả đổ ầm ầm làm sao giấu được”.
Gỗ từ rừng Vĩnh Sơn đi ra chỉ có 1 ngả độc đạo, qua 3 chốt, trạm kiểm soát; 2 trong 3 cửa ngỏ này có thanh chắn barie. Chưa nói tới khả năng thả tay, tiếp sức, chỉ riêng hiệu lực phát hiện, ngăn ngừa vi phạm cũng đã là điểm yếu không thể chối cãi của cơ quan kiểm lâm.
Theo ông Đặng Bá Quang, gỗ lậu có thể đã được ngụy trang, che giấu bằng vỏ bọc gỗ rừng trồng. “Các trạm kiểm soát không được phép tùy tiện dừng phương tiện, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng” - ông Quang nói.
Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh - Trần Phước Phi mô tả, tiểu khu 142, 145 là khu vực ít nguy cơ hơn những “điểm nóng” khác. “Trước kia, chúng tôi từng cho lập chốt, nhưng rồi có những khu vực khác nguy cấp hơn nên bộ phận thường trực ở đấy rời đi” - ông Phi giải thích.
Ông này cũng thừa nhận phần trách nhiệm chủ rừng, song diễn giải khá nhiều về tình trạng pháp lý lửng lơ của rừng Vĩnh Sơn: “Khu vực này chưa chính thức thuộc về BQL rừng phòng hộ. Chúng chỉ mới được “tạm giao” trong khi chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm là của chính quyền địa phương”. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - Bùi Tấn Thành tham gia: “Đây là sự cố đáng tiếc, một bài học thấm thía cho tất cả chúng tôi”.
XUÂN NHÀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét